Vị trí Cột đồng Mã Viện

Dựng ở Khâm Châu

Sau, một số sách cũng cho biết tương tự:

  • Sách Đại Thanh nhất thống chí đời Thanh chép: Tương truyền (cột đồng) ở về động Cổ Sâm thuộc châu Khâm, Mã Viện có thề rằng: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", nghĩa là "Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt", nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gãy...[2]
  • Sách Đại Minh nhất thống chí đời Minh chép: Cột đồng dựng ở động Cổ Lâu thuộc Khâm Châu, (nói) cột đồng Mã Viện dựng trên đất Giao Chỉ là chuyện hão huyền.

Tuy nhiên, chỉ có từ điển Từ Hải (Trung Quốc) là chỉ khá rõ nơi dựng cột, đó là núi Phân Mao ở động Cổ Sâm. Theo Gia Khánh trùng tu nhất thống chí đời vua Gia Khánh nhà Minh, núi Phân Mao ở về phía tây Khâm Châu.

Năm 1540, Mạc Đăng Dung cắt đất hiến cho nhà Minh nên từ đấy núi Phân Mao thuộc về đồ bản nhà Minh [7].

Dựng ở Lâm Ấp

Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Tiền biên, Quyển 2, tờ 82 và 83) của Quốc sử quán triều Nguyễn, đã cung cấp một số thông tin như sau:

-Theo Tùy sử, tướng Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp, qua cột đồng của Mã Viện, đi về phía nam 8 ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806 - 820) đời Đường, An Nam đô hộ là Mã Tổng lại lập hai cột đồng ở chỗ Mã Viện dựng cột đồng trước, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu Phục Ba (Mã Viện).-Theo sách Thông điển của Đỗ Hữu, từ nước Lâm Ấp đi về phía nam, đi thủy, đi bộ hơn hai nghìn dặm đến đấy có nước Tây Đồ Di là chỗ Mã Viện dựng hai cột đồng để nêu địa giới đấy.-Theo Tân Đường thư, ở châu Bôn Đà Lãng của Lâm Ấp, phía nam là năm bãi lớn, có núi "cột đồng" (đồng trụ sơn), hình núi như cái lọng dựng nghiêng, về phía tây có nhiều núi đá, phía Đông là biển lớn. Cột đồng đó là do Mã Viện dựng lên.-Theo sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, Mã Viện đi đánh Lâm Ấp, đi từ Nhật Nam hơn 400 dặm đến Lâm Ấp, lại đi hơn 20 dặm nữa có nước Tây Đồ Di. (Mã) Viện đến nước ấy rồi lập hai cái cột đồng ở nơi phân giới giữa Tượng Lâm và Tây Đồ Di. Về đường thủy, đi từ Nam Hải hơn 3000 dặm đến Lâm Ấp, rồi đến cột đồng ở Giao Châu phải 5000 dặm nữa...[8]-Theo sách Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, tướng Lưu Phương, Hoan Châu đạo hành quân tổng quản đem quân đánh Lâm Ấp, "Phương tiến quân đuổi theo, mấy trận đều được cả, qua phía nam cột đồng Mã Viện, đi tám ngày nữa đến quốc đô Lâm Ấp."

Ngoài ra viết về cột đồng Mã Viện dựng ở Lâm Ấp còn có Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và Nghệ An thi tập của Bùi Huy Bích[9].

Dựng ở núi Thành (Nghệ An)

Trong bài "Les colonnes de broze de Ma Vien" đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hue ngày 10 tháng 11 năm 1943, học giả Đào Duy Anh cho rằng chuyện cột đồng là có thật và có lẽ nó được dựng ở núi Thành (tức núi Lam Thành hay núi Đồng Trụ, tên chữ là Hùng Sơn) ở Nghệ An. Và ông tin tưởng lời phán đoán của mình là đúng vì nó gần ăn khớp với sự ghi chép của sách Ngô lục và Tùy thư.